Tiến sĩ Phạm Văn Diễn (ảnh trái), nguyên Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ làm Viện trưởng, Viện nghiên cứu môi trường công nghệ cao Hòa Bình.
Theo Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/04/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu quan điểm: Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ, cần được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Tầm nhìn đến năm 2050, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hài hòa với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050.
Một trong những giải pháp để thực hiện được mục tiêu của Quyết định số 450/QĐ-TTg là: Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các viện nghiên cứu, trường đại học, các đơn vị tư vấn về môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.
Do đó, ngày 20/09/2023, Công ty cổ phần môi trường công nghệ cao Hòa Bình chính thức công bố thành lập Viện nghiên cứu môi trường công nghệ cao Hòa Bình do Sở Khoa học và Công nghệ Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cấp ngày 05/09/2023.
Viện do Tiến sĩ Phạm Văn Diễn, nguyên Cục trưởng, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ - Một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực Tự động hóa, làm Viện trưởng.
Phát biểu tại buổi lễ, Viện trưởng, Tiến sĩ Phạm Văn Diễn cho biết, việc tổ chức một đơn vị nghiên cứu khoa học trong một doanh nghiệp đã có nhiều mô hình thành công trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng để đảm bảo sự tự chủ, phát triển và là động lực phát triển các ngành công nghiệp.
Trong thời gian tới, mục tiêu của Viện là quy tụ được một lực lượng các Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành về Năng lượng, Vật liệu, Môi trường, Cơ khí, Tự động hóa ... để cùng nhau đưa ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý rác thải để tận dụng những tài nguyên đang có trong rác thải, tối ưu hóa và đưa ra những giải pháp tiên tiến biến chất thải, rác thải thành tài nguyên, làm tư liệu cho các ngành sản xuất khác như Giấy, Xi măng, Gas .... , đồng thời tư vấn chuyển giao công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt tại từng địa phương. Bên cạnh đó, xác định nguồn nhân lực sẽ là mũi nhọn đột phát trong phát triển, Viện sẽ là trung tâm đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cao để phục vụ cho các dự án của tương lai, đồng hành cùng những mục tiêu chung của đất nước.
Viện nghiên cứu môi trường công nghệ cao Hòa Bình là bước đi chiến lược của Công ty cổ phần công nghệ cao Hòa Bình theo định hướng trở thành Công ty xử lý rác thải hàng đầu Việt Nam. Theo Viện trưởng Phạm Văn Diễn, với mong muốn góp phần tạo ra môi trường sống xanh, sạch tại Việt Nam, Viện sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực công nghệ xử lý, tái chế chất thải (bao gồm: chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp nguy hại ...), phế liệu, sản xuất các sản phẩm từ chất thải như nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, phân bón hữu cơ cho nông nghiệp ... Sản xuất thử nghiệm, triển khai thử nghiệm sản xuất các sản phẩm chế biến từ chất thải. Cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ về môi trường theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Viện sẽ nghiên cứu những vấn đề xử lý rác thải môi trường mà Việt Nam đang quan tâm hàng đầu.
https://baotainguyenmoitruong.vn/thanh-lap-vien-nghien-cuu-moi-truong-cong-nghe-cao-hoa-binh-363440.html