Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình đồng hành cùng UBND Tỉnh xử lý hàng nghìn tấn rác thải tồn đọng
VOV.VN - TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đang cho ép, bọc gói rác tập kết trên đường Trương Hán Siêu lại, cho xe chuyên chở về Nhà máy xử lý rác công nghệ cao Lạc Thủy (huyện Lạc Thủy) để xử lý dần. Dự kiến đến Tết Dương lịch 2023 số rác này sẽ được xử lý dứt điểm.
Trên địa bàn TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, thời gian qua xuất hiện tình trạng phát sinh hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt tồn đọng. Đó là bãi rác “cực chẳng đã” nằm trên đường Trương Hán Siêu, một trong những tuyến đường huyết mạch nằm trên địa bàn phường Tân Hòa, TP Hòa Bình. Lý do là vì rác thải không được xử lý kịp nên TP Hòa Bình đã phải “trưng dụng” tạm khoảng 500m của một làn để làm đường làm bãi tập kết rác thải sinh hoạt tạm, việc này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
TP Hòa Bình đang xử lý hàng chục nghìn tấn rác thải tồn đọng trên đường Trương Hán Siêu.
Vì sao rác của TP Hòa Bình “tắc” không có “đầu ra”?
Làm việc với phóng viên VOV.VN, ông Lê Quang Huân - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường TP Hòa Bình cho biết, mỗi ngày TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) có khoảng 75 tấn rác thải sinh hoạt. Nhưng từ tháng 8/2020 tới nay, lượng rác thải tồn đọng lên tới hàng nghìn tấn.
Nguyên nhân là lâu nay, rác thải sinh hoạt của thành phố do Nhà máy xử lý rác Hoàng Long (đặt tại huyện Lương Sơn) đảm nhiệm xử lý. Đơn vị này ký hợp đồng xử lý rác của thành phố từ cuối năm 2014, bình quân khoảng 60 tấn/ngày.
Tuy nhiên, mấy năm qua, Nhà máy xử lý rác Hoàng Long đã bị quá tải, hệ thống xử lý rác thải xuống cấp, không hoạt động từ năm 2021. Do lượng rác thải lớn, liên tục được đưa về trong khi công suất xử lý hạn chế nên không xử lý hết lượng rác trong ngày đã gây ra tình trạng quá tải, tồn đọng rác thải, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khu vực xung quanh.
Tháng 6/2021, cơ quan chức năng huyện Lương Sơn kiểm tra Nhà máy rác Hoàng Long ghi nhận hệ thống xử lý rác thải dừng hoạt động do lò đốt số 1 đã hỏng, không khắc phục sửa chữa được, công ty đã tháo dỡ từ tháng 1/2021. Lò đốt số 2 hỏng hệ thống ống khói và dừng hoạt động từ khoảng tháng 3/2021.
Nhà máy này cũng thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử lý vi phạm nhưng chưa khắc phục được.
Trước thực trạng trên, Phòng TN&MT huyện Lương Sơn đề xuất UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Hòa Bình có phương án xử lý rác thải đối với lượng rác thải của TP gửi, tập kết tại nhà máy xử lý rác thải Hoàng Long.
Công ty Hoàng Long được yêu cầu dừng việc tiếp nhận rác thải từ các khu vực ngoài địa bàn huyện Lương Sơn để tập trung xử lý rác thải còn tồn đọng tại nhà máy.
Tiếp đó, để xử lý đầu ra cho rác thải sinh hoạt của TP Hòa Bình, năm 2017, UBND tỉnh Hoà Bình chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Khu xử lý, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn” cho Công ty TNHH Năng lượng Môi trường Bắc Việt (nay là Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Bắc Việt), công suất thiết kế 190 tấn/ngày theo phương pháp đốt rác.
Năm 2018, chủ đầu tư hoàn tất thủ tục, hồ sơ pháp lý và tiến hành xây dựng nhà máy tại xã Thịnh Minh (TP Hoà Bình), cách trung tâm TP chừng 20km. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 công suất 100 tấn/ngày đêm.
Bãi chứa rác tại xóm Can, xã Độc Lập, TP Hoà Bình
Năm 2020, Công ty Bắc Việt tiếp tục ký hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt cho thành phố Hòa Bình. Theo hợp đồng, Công ty Bắc Việt có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý đốt rác tại nhà máy khoảng 75 tấn/ngày, đủ xử lý rác của thành phố. Việc thu gom, vận chuyển do Công ty Môi trường đô thị TP Hoà Bình và Công ty Môi trường Hoàng Long đảm nhận.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên Môi trường TP Hòa Bình, từ khi vận hành đến nay, Nhà máy xử lý rác thải Bắc Việt không thể xử lý (đốt rác) theo công suất lắp đặt ban đầu, mà mỗi ngày chỉ đốt được khoảng 10 tấn rác. Rác tồn đọng để trong kho, rác đắp đống trong sân nhà máy, rác đổ tràn ra đường…khối lượng rác bị ùn ứ trong nhà máy rác Bắc Việt gần 1.800 tấn đã bốc mùi hôi thối, khi có mưa xuống nước rác chảy tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Do đó người dân xã Thịnh Minh nhiều lần tập trung phản đối, chặn đường không cho xe rác vào nhà máy vì lý do nước rỉ rác rơi ra đường dân sinh trong quá trình vận chuyển.
“Ngoài ra, người dân cũng yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu để đo chất lượng không khí, nguồn nước xung quanh nhà máy do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường. Chính vì lẽ đó mà giải pháp tình thế, TP phải xin chủ trương cho để tạm trên đường Trương Hán Siêu và tại bãi chứa rác tại xóm Can, xã Độc Lập, của TP Hoà Bình). Những điểm tập kết rác thải này là nơi tập kết rác thải tạm thời trong thời gian tìm đầu ra cho rác của thành phố”, ông Huân cho biết.
Ông Huân khẳng định, do 2 đơn vị tiếp nhận, xử lý rác thải của TP Hòa Bình đều “có vấn đề”, do đó, biện pháp trước mắt được TP xin chủ trương là cho tập kết tạm trên đường Trương Hán Siêu và 1 vài nơi khác để chờ phương án xử lý. Dẹp xong “bãi rác” trên đường Trương Hán Siêu trước Tết Dương lịch
Nhiều người dân ở TP Hòa Bình khi được hỏi đều cho rằng, việc để 1 bãi rác tạm gần 2 năm qua ở giữa thành phố như vậy là rất bất tiện và ô nhiễm, mong cơ qun chức năng sớm có biện pháp xử lý dứt điểm.
Ông Lưu Văn Vượng 68 tuổi ở tổ 2, phường Tân Hòa, TP Hòa Bình cho rằng, giữa thành phố mà để một đống rác trên đường như thế này thứ nhất rất mất mỹ quan, thứ 2 là ảnh hưởng đến giao thông. Vì ở đây đang đường đôi thì chặn 1 làn lại làm bãi đổ rác tạm vừa mất mỹ quan vừa gây ô nhiễm môi trường, dân chúng tôi đạp xe đi tập thể dục đến đây phải gom chung đi 1 làn với nhiều xe khách rất mất an toan giao thông. Hơn nữa, TP đang phấn đấu đạt chuẩn TP loại 2 và về đích nông thôn mới mà vấn đề rác thải không được xử lý thì rất không ổn.
“Người dân chúng tôi mong muốn dù là bãi rác tạm thì cũng phải đưa vào chân núi, khu xã dân cư chứ không thể để giữa thành phố như thế này được. Do đó, chúng tôi kiến nghị sớm có biện pháp xử lý, trả lại môi trường, cảnh quan cho thành phố. Để rác ở đây lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân chúng tôi”, ông Vượng kiến nghị.
Ông Lê Quang Huân - Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường TP Hòa Bình cho biết, sau khi có phản ánh của một số cơ quan báo chí về tình trạng rác thải tồn đọng ở TP Hòa Bình, TP đã liên hệ nhiều nơi để xử lý số rấc thải tồn đọng này. Tuy nhiên, Công ty ở Lương Sơn thì bị đóng cửa, Công ty Bắc Việt thì chưa được sửa chữa, công suất chưa được nâng cấp lên để xử lý lượng rác thải của thành phố.
Ông Lê Quang Huân-Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường TP Hòa Bình cam kết xử lý xong hàng nghìn tấn rác thải tồn đọng trước Tết Dương lịch 2023
''Sau khi TP Hòa Bình liên hệ được với Công ty CP Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình tại huyện Lạc Thuỷ, đơn vị này đã đồng ý nâng công suất lên cao hơn để có thể tiếp nhận, xử lý được thêm phần rác thải của TP Hòa Bình. Hiện nay, số rác thải sinh hoạt của TP Hòa Bình đang được đưa về đây để xử lý, TP không có rác tồn đọng nữa mà chỉ có rác từ cũ”, ông Huân cho biết.
Ông Huân cho biết, những ngày qua, công nhân, máy móc của Công ty Môi trường đã liên tục làm việc 3 ca, ép rác thành bánh, bọc nilon và vận chuyển số rác tồn đọng trên đường Trương Hán Siêu này. Mỗi ngày đơn vị cũng đóng gói, vận chuyển được gần 100 tấn rác và chuyển về nhà máy để xử lý.
“Chúng tôi đang yêu cầu và đơn vị thu gom rác cũng cam kết, từ nay đếm Tết Dương lịch 2023 sẽ thu gom, xử lý hết số rác tập kết trên đường Trương Hán Siêu về nhà máy và dọn dẹp sạch sẽ khu vực, đảm bảo cảnh quan và vệ sinh môi trường xung quanh”, ông Huân cho hay.
Đối với số rác đang để tạm tại 2 hố chứa rác ở tại xóm Can, xã Độc Lập, lãnh đạo Phòng Tài nguyên Môi trường TP Hòa Bình khẳng định, sẽ chuyển số rác này đi sau khi xử lý xong đống rác trên đường Trương Hán Siêu.
"Ưu tiên là giải phóng, xử lý bãi tập kết rác tạm trên đường Trương Hán Siêu ở giữa TP Hòa Bình trước, sau đó, khi nhà máy xử lý rác của Công ty Bắc Việt đi vào hoạt động chúng tôi sẽ chuyển số rác này về đó để xử lý. Trong trường hợp Công ty Bắc Việt không thể xử lý được chúng tôi sẽ chuyển đi nơi khác để xử lý", ông Huân nói.
Tuy nhiên, theo Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường TP Hòa Bình, việc vận chuyển rác thải về Lạc Thuỷ khá xa thành phố (khoảng 80km) nên đã làm tăng chi phí cho việc xử lý rác thải này.
“Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì việc vận chuyển rác đi xa đã làm tăng chi phí xử lý rác thải của TP. Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng, Công ty cổ phần Năng lượng Môi trường Bắc Việt sớm có biện pháp sửa chữa, lắp đặt dây chuyền, nâng công suất để có thể tiếp nhận và xử lý hết số rác của TP Hòa Bình. Khi đó rác sẽ không phải chuyển đi xa, giảm bớt chi phí và thuận tiện hơn cho thành phố”, ông Huân kiến nghị.
Từ câu chuyện tồn đọng rác ở TP Hòa Bình một lần nữa đặt ra vấn đề về việc tìm đầu ra cho rác thải sinh hoạt, vốn là nỗi băn khoăn thường trực của nhiều địa phương trong cả nước hiện nay. Đặc biệt là việc cam kết của đơn vị được cấp phép đầu tư nhà máy xử lý rác thải hiện nay. Nếu không có ràng buộc bằng văn bản pháp lý sẽ rất dễ bị “bẻ kèo” mỗi khi phát sinh các lỗi không mong muốn mà không thể quy được trách nhiệm rõ ràng./.
(https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/hoa-binh-cam-ket-xu-ly-xong-hang-nghin-tan-rac-thai-ton-dong-truoc-tet-duong-lich-post988404.vov)