HoaBinh Hi-Tech Environment JSC to be selected among 9 companies across Vietnam for CFA project sponsored by UK government.




(TN&MT) - Vương quốc Anh tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch năng lượng từ những dự án carbon thấp thông qua Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu tại Việt Nam (CFA). 9 dự án của Việt Nam đã được chọn để tham gia Chương trình này.

Từ ngày 15 – 16/5/2023, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland, hợp tác với PwC tổ chức Chương trình “Thúc đẩy tài chính khí hậu” (CFA) tại Việt Nam. Chương trình nhằm hỗ trợ 9 nền kinh tế mới nổi (bao gồm cả Việt Nam) xây dựng hệ thống các dự án carbon thấp có tiềm năng huy động được vốn đầu tư để thực hiện.

Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ Vương quốc Anh để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26, đồng thời hỗ trợ triển khai Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng công bằng tại Việt Nam (V-JETP) được công bố vào tháng 12/2022.

Kết nối tài chính xanh và dự án xanh

Theo ghi nhận của Chương trình CFA, mặc dù dòng vốn dành cho lĩnh vực tài chính khí hậu vẫn có trên thị trường. Tuy nhiên, việc đảm bảo dòng vốn này chảy vào những dự án đang cần đến vốn nhất vẫn đang là một thách thức. Do vậy, Chương trình tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển dự án gặp gỡ và tiếp cận với các tổ chức tài chính có khả năng phát triển và cấp vốn cho các dự án khí hậu quy mô lớn. Với phương pháp tiếp cận này, CFA đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam trong việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trong Thỏa thuận Paris, giảm phát thải khí nhà kính và đề ra những mục tiêu về khí hậu tham vọng hơn.

Chia sẻ về Chương trình CFA, ông Ian P Milborrow – Phó Tổng giám đốc PwC Vương quốc Anh - đại diện chương trình CFA toàn cầu, cho biết: “Theo Thỏa thuận Paris, chúng tôi đã cam kết có thể huy động được 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ cho tài chính khí hậu. Điều này có nghĩa là các khoản đầu tư bằng tiền usd phải đầu tư cho các hoạt động khoảng hóa carbon trong nền kinh tế. Việt Nam vào tháng 10 năm ngoái cũng đã cập nhật Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Đây là báo cáo rất tham vọng liên quan đến các mục tiêu dự báo mà Việt Nam sẽ đạt được trong trung hạn. Điều này có nghĩa là Chính phủ Việt Nam sẽ cần xây dựng các chính sách cho nhiều ngành khác nhau, ví dụ như năng lượng, vận tải… Và một số các hoạt động đó sẽ được tài trợ, dùng nguồn vốn của Chính phủ, một số sẽ được dùng nguồn vốn tư nhân.

 Theo đánh giá của chúng tôi, khu vực tư nhân sẽ phải chịu một số rủi ro và Chính phủ sẽ cung cấp kiến trúc về mặt chính sách để thúc đẩy nguồn vốn. Chương trình CFA của chúng tôi hỗ trợ cho các nhà đầu tư tư nhân để có thể huy động nguồn vốn, góp phần thực hiện NDC ở Việt Nam. Chúng tôi đã có một loạt các dự án ở Việt Nam trong Chương trình CFA, bao gồm 8 lĩnh vực, với tổng số nhu cầu vốn là hơn 500 triệu USD trong năm nay.

cfa11
Ông Ian P Milborrow – Phó Tổng giám đốc PwC Vương quốc Anh - đại diện chương trình CFA toàn cầu trao đổi với Phóng viên

Ông Ian P Milborrow nhấn mạnh đến tiêu chí để chọn lựa dự án được tiếp cận nguồn tài chính khí hậu, đó là nguồn vốn cho mỗi dự án ở khoảng từ 5 đến 100 triệu USD. Dự án phải phù hợp với mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã đặt ra trong NDC, có khả năng được nhân rộng và tạo ra được tác động chuyển đổi trong nền kinh tế Việt Nam.

“Các dự án không chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng mà dự án đã qua 1-2 vòng huy động vốn rồi, đã đạt được các mốc thực hiện đáng kể và cần vốn để triển khai các bước tiếp theo. Một điểm cũng rất cần lưu ý là theo yêu cầu hỗ trợ của Vương quốc Anh đối với Chương trình này, chúng tôi mong muốn được hỗ trợ cho các dự án có thể đem lại những yếu tố liên quan đến bình đẳng giới và hòa nhập xã hội”, Phó Tổng giám đốc PwC Vương quốc Anh nói.

9 dự án carbon thấp được lựa chọn

Chín dự án các-bon thấp trên khắp Việt Nam đã được chọn để tham gia Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (CFA) Việt Nam giai đoạn đầu tiên. Các dự án được chọn đại diện cho các lĩnh vực khác nhau như năng lượng tái tạo, sử dụng tài nguyên/năng lượng hiệu quả, vận tải điện, AFOLU (nông nghiệp, lâm nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác), phi các-bon hóa trong ngành xây dựng, kinh tế tuần hoàn, và quản lý chất thải. Các dự án này có tiềm năng mang lại lợi ích cho các cộng đồng trên khắp lãnh thổ Việt Nam.

Cụ thể, dự án Blue Planet Environmental Solutions - sản xuất khí sinh học từ rơm thông qua hệ thống ủ khô. Quá trình sản xuất khí sinh học có thể tạo ra năng lượng và bùn thải chất lượng tốt có thể sử dụng làm phân bón.

Dự án của Control & Automation Solutions (CAS) - công ty công nghệ cao cung cấp các giải pháp tự động hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp. CAS có hai dự án nông nghiệp thông minh tham gia CFA Việt Nam. Dự án thứ nhất là Canh tác tuần hoàn trên mái nhà, tập trung vào việc phát triển và triển khai các giải pháp tiên tiến cho hoạt động canh tác trên mái nhà, các căn hộ đô thị và không gian xây dựng để thúc đẩy phát triển các khu vực xanh có năng suất cao ở các trung tâm đô thị lớn. Bên cạnh đó, CAS cũng thực hiện Dự án Trang trại điện mặt trời-nông nghiệp tuần hoàn, tập trung vào việc triển khai các nhà kính công nghệ cao sử dụng năng lượng tái tạo từ mặt trời và chất thải sinh học ở các vùng nông thôn.

Dat Bike - hãng xe mô tô điện nội địa đầu tiên của Việt Nam. Với sứ mệnh thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi phương tiện giao thông xanh tại Việt Nam, dự án của Dat Bike hướng đến sản xuất xe mô tô điện hiện đại, công nghệ cao cho thị trường đại chúng và phát triển cơ sở hạ tầng các trạm sạc pin bằng năng lượng mặt trời.

Deep C Green - công ty con của Khu công nghiệp Deep C - một khu công nghiệp sinh thái đầy tiềm năng tại Việt Nam. Deep C Green đang tìm cách mở rộng việc lắp đặt và vận hành các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của những đơn vị thuê địa điểm trong khu công nghiệp và thông qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm lượng khí thải các-bon cho Khu công nghiệp Deep C.

Egreen Technology JSC - nhà cung cấp điện khí sinh học cho các trang trại chăn nuôi. Với hệ thống máy phát điện chạy bằng khí sinh học, Egreen có thể giúp các trang trại cắt giảm lượng khí thải khí sinh học và giảm đáng kể chi phí điện năng.

Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình - công ty quản lý chất thải công nghiệp theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Để tăng cường và mở rộng quy mô kinh doanh, Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình đã thành lập thêm đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại và kinh doanh chất thải, sản phẩm sau tái chế. Đây là dự án mở rộng từ giai đoạn 1 thành công của Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình.

 Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 4 đang triển khai dự án tập trung xử lý, tái sử dụng tro bay từ nhiệt điện than để sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC) và các loại gạch không nung khác thay thế gạch đất sét nung truyền thống, góp phần vào công cuộc phi các-bon hóa ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam.

Công ty Cổ phần Vật liệu bền Vững Việt Nam - một nhà sản xuất các sản phẩm từ tre như ván tre, tấm tre làm sàn và vật liệu xây dựng, than hoạt tính, nhiên liệu viên và hàng thủ công mỹ nghệ. Dự án này hợp tác với các đối tác lâm nghiệp để triển khai các biện pháp canh tác bền vững và nhằm mục đích tăng giá trị kinh tế của chuỗi giá trị tre ở Tây Nguyên.

VRB Energy - một nhà sản xuất Vanadium Flow Battery - VFB (pin Vanadium được lưu trữ bằng cách sử dụng chất lỏng để lưu trữ năng lượng pin) tích hợp quy mô lớn. Dự án là kế hoạch mở rộng của VRB Energy vào thị trường Việt Nam. Pin VRB sử dụng chất điện phân vanadium để lưu trữ năng lượng, từ đó thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi hơn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.

 

Đánh giá về các dự án này, Ông Iain Frew - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết: “Các dự án thú vị và sáng tạo được chọn tham gia CFA Việt Nam nhấn mạnh tiềm năng to lớn của khu vực tư nhân Việt Nam trong việc giúp giải quyết khủng hoảng khí hậu. Kiến thức chuyên môn được chia sẻ với các dự án này sẽ giúp họ tiến gần hơn đến việc tìm kiếm nhà đầu tư, từ đó sẽ giúp giảm lượng khí thải các-bon ở các cộng đồng trên toàn quốc”./.

Related Articles